Đăng nhập sổ của bạn
Cách sơ cứu ban đầu khi trẻ bị bỏng nhiệt
Bỏng là một trong những tai nạn thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày. Tác nhân gây bỏng có nhiều loại, trong đó nước sôi là một trong những tác nhân gây ra trẻ bỏng nhiều nhất.
Bỏng là tai nạn thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ ở độ tuổi 1 - 6. Ở lứa tuổi này trẻ thường hiếu động, tò mò, chưa hiểu hết về sự nguy hiểm. Phần lớn tai nạn bỏng ở trẻ là do người nhà không cẩn thận, để trẻ nghịch, nô đùa gây ra.
Việc sơ cứu ban đầu khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho vết thương không bị ăn sâu vào bên trong và tránh tình trạng bội nhiễm. Nhưng hiện nay vẫn có nhiều gia đình chưa có kiến thức, hay nói đúng hơn là hiểu sai về sơ cứu ban đầu khi trẻ bị bỏng, khiến vết thương của trẻ càng trở nên trầm trọng hơn.
Do đó, việc phòng tránh các trường hợp có thể gây bỏng ở trẻ em hoặc thực hiện sơ cứu đúng cách khi có tai nạn xảy ra sẽ giúp hạn chế được những rủi ro đáng tiếc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Bước 1: Cần loại trừ tiếp xúc với tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt
- Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn tác nhân gây bỏng: Bế khỏi bồn tắm nóng, nước nóng sôi, bàn là nóng... Cởi bỏ quần áo thấm đẫm nước sôi…
- Đối với bỏng lửa: Cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi hỏa hoạn, dập tắt lửa trên người nạn nhân, cởi bỏ quần áo bị cháy, trùm chăn lên người dập lửa...
- Nếu trẻ em đang bị cháy quần áo, cần bình tĩnh hướng dẫn trẻ:
+ Dừng lại (không được chạy vì càng làm lửa cháy mạnh hơn).
+ Nằm xuống đất, lăn mấy vòng hoặc bò dưới đất ra khỏi đám cháy, đồng thời gọi người lớn tới giúp đỡ.
- Nếu trẻ em bị bỏng do lửa cháy trong phòng kín, người cứu cần phải tuân theo các nguyên tắc phòng chống cháy, có phương tiện bảo hộ.
+ Người cứu có thể mặc quần áo tẩm ướt, quấn kín tóc, đeo khẩu trang ướt. Sau đó, dùng các phương tiện sẵn có như chăn, vải tẩm ướt dập tắt ngọn lửa.
+ Sau đó kiểm tra nhanh chóng nạn nhân, cần kịp thời đánh giá và tiến hành cấp cứu toàn thân, khi nạn nhân có biểu hiện ngừng hô hấp, tuần hoàn, suy thở, chấn thương kèm theo...
+ Cần lưu ý tình trạng này hay gặp ở trẻ bị bỏng do lửa cháy trong phòng kín, do bị bỏng đường thở, do nhiễm độc khí CO và CO2.
Bước 2: Tiến hành sơ cấp cứu sau bỏng
- Nhanh chóng ngâm rửa vùng cơ thể bị bỏng vào nước sạch, đây là biện pháp đơn giản, hiệu quả dễ thực hiện ở mọi nơi.
- Ngâm rửa nước sạch có tác dụng hòa loãng, rửa trôi tác nhân bỏng còn bám trên da. Giảm nhiệt độ trên da nhanh chóng, từ đó giảm độ sâu của bỏng. Ngoài ra, giúp giảm đau, đỡ đau rát vùng bỏng ngay khi ngâm vào nước mát, góp phần giảm các rối loạn toàn thân, nhất là trạng thái kích thích la hét...
* Lưu ý: Ngâm rửa nước lạnh cũng làm tăng mất nhiệt. Việc làm ấm lại khó khăn. Quần áo ướt hoặc băng ướt làm tăng mất nhiệt. Do vậy, việc tưới rửa nước cần kiểm soát chặt chẽ khi diện bỏng rộng trên 10% diện tích cơ thể, nhất là trẻ em nhỏ tuổi và tiến hành vào mùa đông.
- Thời điểm ngâm rửa bằng nước mát càng sớm càng tốt, tốt nhất trong 30 phút từ sau khi bị bỏng. Sau khoảng thời gian trên, ngâm rửa ít tác dụng.
- Nước có thể ngâm rửa được vết bỏng là nước sạch, nhiệt độ nước tiêu chuẩn là từ 16 - 20 độ C. Tuy nhiên, vì là cấp cứu, cần tận dụng nguồn nước sẵn có ngay tại nơi bị nạn. Lựa chọn những nguồn nước sạch nếu có như nước đun sôi để nguội, nước máy, nước mưa, nước giếng...
- Không dùng nước đá gây nhiễm lạnh cho nạn nhân. Không dùng nước ấm, có nhiệt độ cao hơn (ít có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau).
- Ngâm rửa vết bỏng đúng cách
Có thể ngâm rửa phần bỏng dưới vòi nước hoặc ngâm trong chậu nước mát hoặc đắp khăn ướt, dội rửa liên tục nước sạch lên vùng bỏng. Kết hợp nhanh chóng cởi bò quần áo chật, nhẫn hoặc đồng hồ tại vùng bỏng. Vừa ngâm rửa vùng bỏng vừa cắt bỏ quần áo bị cháy, rửa sạch dị vật hoặc tác nhân gây bỏng còn bám ở vết bỏng.
Thời gian ngâm rửa từ 15 - 30 - 45 phút (thường tới khi hết đau rát). Không làm vỡ, làm trợt vòm nốt phồng. Giữ ấm phần cơ thể không bị bỏng, nhất là về mùa đông. Đặc biệt với trẻ em, khi thời tiết lạnh nên rút bớt thời gian ngâm, đề phòng nhiễm lạnh.
Bước 3: Che phủ tạm thời vết bỏng
- Tiến hành che phủ vùng bỏng bằng vật liệu sạch như gạc y tế, thậm chí khăn mặt, khăn tay, vải màn sạch... để quấn phủ lên.
Sau đó, băng ép nhẹ vết bỏng bằng băng sạch. Băng ép nhẹ vết bỏng làm hạn chế tạo nốt phồng, giảm phù nề chỗ bị bỏng. Băng ép cần tiến hành sớm, tránh băng quá chặt gây chèn ép vùng bỏng. Với bỏng vùng mặt, vùng sinh dục, chỉ cần phủ một lớp gạc.
Không bôi chất gì vào vùng bỏng khi chưa rửa sạch và không được sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
Bỏng gây mất nước và muối, do vậy sau bỏng cần bù nước và muối đã mất cho trẻ bằng những cách đơn giản. Cho trẻ uống nước Oresol nếu trẻ bị không nôn, không chướng bụng, vẫn tỉnh táo. Một gói Oresol pha với 1 lít nước, uống theo nhu cầu trong ngày. Có thể cho uống nước chè đường ấm, nước cháo loãng, nước hoa quả...
Nếu trẻ còn bú thì mẹ vẫn cho bú bình thường.
Bước 4: Nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc
Không nên giữ trẻ tại nhà tự điều trị hoặc đưa tới các cơ sở thầy lang còn thiếu hiểu biết về bỏng, nhất là kiến thức về độ sâu của bỏng.
Đặc biệt khi trẻ có các dấu hiệu: Diện tích bỏng lớn hơn bằng 2 bàn tay cơ thể. Bỏng kèm chấn thương. Bỏng ở vùng đầu, mặt, cổ, bàn tay, bàn chân, sinh dục. Lơ mơ, lẫn lộn. Sốt cao, co giật, chân tay lạnh. Bỏ bú, khó thở, xanh tím, tiểu ít, bụng chướng.
Bỏng là tai nạn dễ gặp ở trẻ nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời dễ gây biến chứng, thậm chí là tử vong. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý cách phòng ngừa tai nạn bỏng cho trẻ nhỏ như sau:
- Lứa tuổi: Thường gặp từ 1- 6 tuổi, tuổi hay tò mò và thích khám phá, chưa nhận thức được các vấn đề nguy hiểm.
- Theo dõi và kèm sát trẻ nhỏ đang bò và chập chững đi.
- Để các vật dụng nóng sôi, các chất dễ gây cháy, sinh lửa ngoài tầm với của trẻ.
- Kiểm tra độ nóng của nước trong các bồn tắm cho trẻ nhỏ. Không để trẻ tự vặn vòi nước nóng.
- Nghiêm cấm trẻ đùa nghịch hoặc đến gần các hố vôi, hố vôi phải được rào chắn và chiếu sáng vào ban đêm.
- Nghiêm cấm trẻ đụng chạm vào dây điện, phích cắm điện, đồ điện.
- Luôn nhắc trẻ về phòng tránh tai nạn bỏng.
28/01/2023 17:03
Trên thực tế ghi nhận, đa số trẻ bị tay chân miệng độ nhẹ đều được cho theo dõi và chăm sóc tích cực tại nhà. Cha mẹ người chăm sóc bệnh nhân mắc tay chân miệng cần ghi nhớ các nguyên tắc dưới đây.
Bé gái 5 tuổi sống tại Tây Ninh vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận điều trị với chẩn đoán viêm não mô cầu. Vậy viêm não mô cầu do đâu, lây nhiễm qua đường nào?
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến nay nước ta đã ghi nhận 78 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella tại khu vực phía Bắc, trong đó có 10 trường hợp rubella tại 7 tỉnh, thành phố.
Bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ thường gặp và hay tái phát. Cha mẹ cần có những biện pháp chăm sóc trẻ đúng cách khi thời tiết chuyển mùa để trẻ không mắc bệnh.
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên với các dấu hiệu nhận biết như: ho, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể
Cúm B là một loại cúm mùa thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Trẻ mắc cúm B phần lớn là nhẹ và tự hồi phục, chủ yếu điều trị và chăm sóc tại nhà.
Trong thời gian vừa qua tại Hà Nội có nhiều trẻ bị ho gà, có bé chỉ 5 tuần tuổi. Điều này khiến nhiều mẹ có con nhỏ lo lắng.
Viêm họng là một bệnh phổ biến ở chuyên khoa tai mũi họng. Do viêm họng hay xảy ra nên nhiều người sẽ chủ quan và thường tự điều trị bằng các phương pháp dân gian tại nhà hoặc tự mua thuốc không theo kê đơn của bác sĩ về uống…
Yên Bái đã ghi nhận trường hợp trẻ mắc thủy đậu tử vong. Vậy nếu trẻ mắc thủy đậu thì cần phải làm gì, chăm sóc ra sao để nhanh khỏi bệnh.
Viêm đường hô hấp trên bao gồm nhiều bệnh lý như viêm mũi, viêm tai giữa.... Khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên cha mẹ cần bình tĩnh xử lý các triệu chứng.