Đăng nhập sổ của bạn
Cách sử dụng corticoid dự phòng hen suyễn cho trẻ
Mùa hô hấp sắp tới (từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm) thì tỉ lệ bệnh nhân phải nhập viện do cơn hen suyễn cấp tính rất cao. Bệnh hen suyễn sau khi được điều trị đợt cấp tính, sẽ cần dùng các thuốc để dự phòng. Trong đó thuốc chứa corticoid.
ICS (inhaled corticosteroid) là một corticoid được bào chế dưới dạng xịt định liều. Đây là thuốc dự phòng hen được dùng khá nhiều. ICS đã được chứng minh nếu sử dụng đúng sẽ giúp giảm tỷ lệ nhập viện, nâng cao chất lượng sống và giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân hen. Ngoài ra, dùng ICS sớm ở người hen dai dẳng có chức năng phổi giảm sẽ giúp cải thiện chức năng phổi, phòng ngừa sự tắc nghẽn đường thở không hồi phục.
Tuy nhiên, khá nhiều phụ huynh có con bị hen suyễn, có phản ứng tiêu cực với thuốc này, bởi đây là corticoid và phải dùng kéo dài nên lo sợ tác dụng phụ. Tuy nhiên, với những trẻ suyễn nặng, dai dẳng thì buộc phải dùng. Nếu cha mẹ từ chối hoặc dùng cầm chừng không đúng chỉ định sẽ khiến nguy cơ bùng phát cơn thường xuyên, khiến trẻ phải nhập viện, thậm chí nguy hiểm tính mạng là hoàn toàn có thể. Do đó ICS có thể được coi là cứu cánh trong bệnh hen suyễn.
ICS khi được chỉ định đúng, nó có ý nghĩa to lớn với trẻ suyễn nặng, dai dẳng:
- Giúp giãn cơn hen suyễn cấp: Thay vì lên cơn mỗi tháng có thể vài tháng mới lên 1 lần, thậm chí nhiều ca bệnh không lên cơn trong thời gian dùng thuốc.
- Giúp giảm nhẹ cơn: Lỡ có vào cơn cũng nhẹ hơn là không dùng.
- Giúp phế quản nhạy cảm hơn với thuốc giãn phế quản (như ventolin), đặc biệt có ý nghĩa với trẻ phải dùng ventolin quá nhiều.
- Giảm nhu cầu phải sử dụng SABA (thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh).
- Ngăn ngừa tái cấu trúc đường thở, tránh tạo thành bệnh mạn tính.
- Có thể dùng 3 tháng như một phương pháp thử xem trẻ có đúng là suyễn không (đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi, khò khè tái đi tái lại nhưng chưa đủ khẳng định suyễn).
- Cải thiện chức năng của phổi.
- Thuốc có hiệu quả rõ rệt trên nhóm trẻ bị hen dị ứng.
Ngoài các tác dụng phụ của nhóm steroid, thì dùng ICS dài ngày ở bệnh nhân giãn phế quản mạn tính có thể gia tăng nguy cơ bị viêm phổi. Bác sĩ sẽ cân bằng giữa hiệu quả của thuốc và tác dụng phụ do thuốc gây ra. Bệnh nhân hoặc người chăm sóc trẻ cần lưu ý như sau:
- Không tự ý dùng, bởi thuốc này bắt buộc phải được kê bởi bác sĩ đã biết bệnh của trẻ và theo dõi trẻ trong quá trình điều trị.
- Tuyệt đối tuân thủ điều trị, không được tự ý ngưng, hay giảm liều khi chưa được bác sĩ chỉ định. Việc ngưng hay tự ý giảm liều có thể dẫn tới bùng phát cơn hen nặng hơn.
- Tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn để bác sĩ đánh giá đáp ứng và có chiến lược giảm liều.
- Liều ICS hàng ngày phải phù hợp với lâm sàng và chức năng hô hấp của bệnh nhân.
- Phải có dụng cụ (bình xịt) định liều, kỹ thuật dùng chính xác và hướng dẫn trẻ kỹ thuật hít đúng.
- Súc miệng và nhổ ra sau khi dùng thuốc để tránh nuốt thuốc và tác dụng phụ bị nấm miệng.
Bình xịt định liều (MDI) là một dụng cụ cung cấp thuốc dưới dạng khí dung, với liều được định sẵn là một nhát xịt. MDI có 2 loại là sử dụng trực tiếp hay qua buồng đệm có mặt nạ hoặc đầu ngậm.
Khi trẻ được hướng dẫn sử dụng đúng kỹ thuật bình xịt định liều sẽ giúp trẻ nhận được đủ liều thuốc dự phòng hàng ngày. Mỗi trẻ, mỗi lứa tuổi sẽ có định liều khác nhau.
- MDI trực tiếp: Trước khi xịt, cần kiểm tra hoạt động của bình xịt bằng cách tháo nắp bình xịt, lắc kỹ ống hít và ấn 1 - 2 nhát vào không khí để chắc chắn ống hít hoạt động bình thường.
Bước 1: Tháo nắp ra khỏi đầu ngậm, giữ bình xịt ở vị trí thẳng đứng (đầu ngậm nằm phía dưới).
Bước 2: Lắc bình kỹ vài giây để trộn đều thuốc.
Bước 3: Hơi nghiêng đầu ra sau, thở ra từ từ.
Bước 4: Đưa ống ngậm vào miệng, khép môi xung quanh miệng ống ngậm (không cắn).
Bước 5: Ấn đỉnh bình xịt để giải phóng thuốc đồng thời hít sâu vào bằng miệng (từ 3 - 5 giây).
Bước 6: Nín thở từ 5 - 10 giây, lấy bình xịt ra, sau đó thở ra chậm.
Bước 7: Nếu sử dụng nhiều hơn 1 nhát xịt, đợi 1 phút sau đó lặp lại các bước từ bước 2 đến 6.
Bước 8: Đậy nắp bình xịt sau khi sử dụng.
- MDI buồng đệm có mặt nạ: Trẻ dưới 6 tuổi sử dụng MDI trực tiếp sẽ khó khăn hơn, do đó nên sử dụng MDI gắn thêm thiết bị buồng đệm. Trước khi sử dụng, cũng cần kiểm tra các van của thiết bị, bằng cách: Áp mặt nạ của thiết bị vào miệng, hít vào và thở ra nhẹ nhàng qua mặt nạ. Khi thở ra thì van ngoài ở phía trên thiết bị sẽ mở ra, đó là thiết bị hoạt động bình thường. Trường hợp van không mở được thì có thể do van không được đặt đúng vị trí, hoặc van bị hỏng cần phải thay.
Bước 1: Tháo nắp ống hít và lắc ống hít.
Bước 2: Lắp ống hít vào buồng đệm.
Bước 3: Đặt mặt nạ của buồng đệm lên mặt của trẻ một cách nhẹ nhàng để trẻ không hoảng sợ, nhưng phải đảm bảo che kín mũi và miệng trẻ.
Bước 4: Dùng ngón tay ấn vào bình xịt định liều để 1 nhát thuốc được bơm vào buồng đệm.
Bước 5: Giữ nguyên mặt nạ của buồng đệm trên mũi và miệng của trẻ cho đến khi trẻ hít thở được 10 lần. Có thể đếm số lần hít thở của bé bằng cách quan sát số lần đóng/mở của van ngoài của buồng đệm. Sau đó gỡ mặt nạ của buồng đệm khỏi mặt của trẻ.
Nếu trẻ cần hít 2 nhát thuốc, lặp lại bước 4 và 5.
Bước 6: Tháo ống hít ra khỏi buồng đệm, đóng nắp ống hít. Cất buồng đệm vào túi nylon bảo vệ.
18/09/2022 21:04
Trên thực tế ghi nhận, đa số trẻ bị tay chân miệng độ nhẹ đều được cho theo dõi và chăm sóc tích cực tại nhà. Cha mẹ người chăm sóc bệnh nhân mắc tay chân miệng cần ghi nhớ các nguyên tắc dưới đây.
Bé gái 5 tuổi sống tại Tây Ninh vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận điều trị với chẩn đoán viêm não mô cầu. Vậy viêm não mô cầu do đâu, lây nhiễm qua đường nào?
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến nay nước ta đã ghi nhận 78 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella tại khu vực phía Bắc, trong đó có 10 trường hợp rubella tại 7 tỉnh, thành phố.
Bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ thường gặp và hay tái phát. Cha mẹ cần có những biện pháp chăm sóc trẻ đúng cách khi thời tiết chuyển mùa để trẻ không mắc bệnh.
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên với các dấu hiệu nhận biết như: ho, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể
Cúm B là một loại cúm mùa thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Trẻ mắc cúm B phần lớn là nhẹ và tự hồi phục, chủ yếu điều trị và chăm sóc tại nhà.
Trong thời gian vừa qua tại Hà Nội có nhiều trẻ bị ho gà, có bé chỉ 5 tuần tuổi. Điều này khiến nhiều mẹ có con nhỏ lo lắng.
Viêm họng là một bệnh phổ biến ở chuyên khoa tai mũi họng. Do viêm họng hay xảy ra nên nhiều người sẽ chủ quan và thường tự điều trị bằng các phương pháp dân gian tại nhà hoặc tự mua thuốc không theo kê đơn của bác sĩ về uống…
Yên Bái đã ghi nhận trường hợp trẻ mắc thủy đậu tử vong. Vậy nếu trẻ mắc thủy đậu thì cần phải làm gì, chăm sóc ra sao để nhanh khỏi bệnh.
Viêm đường hô hấp trên bao gồm nhiều bệnh lý như viêm mũi, viêm tai giữa.... Khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên cha mẹ cần bình tĩnh xử lý các triệu chứng.