Đăng nhập sổ của bạn
4 sai lầm khi trị táo bón cho trẻ em, khiến bệnh mãi không khỏi
Táo bón là bệnh thường gặp ở trẻ, tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn mắc phải sai lầm khi điều trị táo bón khiến tình trang táo bón nặng hơn
Hầu hết phụ huynh cho rằng trẻ táo bón là do ăn ít rau, do đó khi trẻ bị táo sẽ tích cực cho trẻ ăn rau nhiều hơn. Tuy nhiên, việc cho trẻ ăn nhiều rau nhiều một cách đột ngột có thể khiến tình trạng táo bón trầm trọng hơn.
Nhiều gia đình khi thấy trẻ bị táo bón thường sử dụng thuốc thụt hậu môn. Thuốc thụt hậu môn có tác dụng kích thích phân ra dễ dàng, giải quyết tình trạng táo bón cho trẻ. Tuy nhiên, đó chỉ là một giải pháp tức thời chỉ được sử dụng khi thực sự cần thiết, có chỉ định.
Nếu lạm dụng thuốc thụt hậu môn để trị táo bón cho trẻ sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Do sử dụng thường xuyên thuốc thụt sẽ làm mất phản xạ đi cầu tự nhiên ở trẻ. Hơn nữa hậu môn dễ bị tổn thương, dẫn đến bỏng rát, viêm nhiễm... Nguy hiểm hơn, các thành phần hóa học trong thuốc thụt có nguy cơ xâm nhập vào đường ruột của trẻ, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Tác động này khiến trẻ không còn cảm giác thèm ăn, dẫn đến thiếu chất, suy dinh dưỡng.
Không chỉ với bệnh tiêu chảy, khi trẻ táo bón, rất nhiều phụ huynh nghĩ ngay tới việc bổ sung men tiêu hóa hoặc men vi sinh cho trẻ. Đây là một sai lầm rất thường gặp.
Men tiêu hóa được chỉ định dùng khi nghi ngờ hoặc có bằng chứng là bị thiếu men tiêu hóa hoặc muốn tăng cường thêm khả năng tiêu hóa thức ăn của trẻ trong một khoảng thời gian nhất định.
Men vi sinh được chỉ định dùng sau khi sự cân bằng trong hệ vi sinh vật đường ruột bị đảo lộn dẫn đến rối loạn (thường gặp ở người bệnh vừa điều trị kháng sinh), biểu hiện ở việc đi ngoài phân sống, tiêu chảy, khó tiêu, trướng bụng...
Nếu điều trị táo bón cho trẻ bằng men tiêu hóa hay men vi sinh không theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ khiến tình trạng táo bón càng thêm trầm trọng
Nhiều gia đình sau khi trẻ được bác sĩ chuyên khoa khám bệnh và kê đơn thuốc điều trị táo bón nhưng không tuân thủ điều trị. Dùng thuốc điều trị bệnh táo bón phải lâu dài và cần kết hợp một số biện pháp như rèn luyện thời gian đi cầu, chế độ ăn...Tuy nhiên nhiều gia đình đã không đủ kiên trì để theo đuổi chế độ điều trị theo đúng phác đồ (hoặc tâm lý lo sợ tác dụng phụ nếu phải dùng thuốc lâu dài) nên bỏ điều trị giữa chừng khi thấy tình trạng táo bón của con mới được cải thiện - dẫn đến táo bón khó điều trị.
Ngược lại có gia đình lại lạm dụng thuốc nhuận tràng do có hiệu quả trong điều trị táo bón. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc này quá nhiều có thể dẫn tới một số tác dụng phụ như: Phân lỏng, rối loạn nhu động ruột, gây mất nước, điện giải và khoáng chất (đặc biệt là kali), gây ra tác dụng ngược do ruột không chủ động hoạt động, dẫn đến tình trạng táo bón trầm trọng hơn, thậm chí là táo bón mạn tính.
Khi thấy trẻ bị táo bón, phụ huynh không nên sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào trước khi có tư vấn của bác sĩ.
Nếu muốn cải thiện từ chế độ ăn, cần thực hiện các bước:
- Uống sữa: Nên giới hạn 500- 600 ml/ngày.
- Rau xanh: Chọn các loại rau có tính chất nhớt như rau khoai lang, rau đay, rau mồng tơi...
- Quả: Đu đủ, chuối, thanh long, nước ép trái cây (ép lê, mận...).
- Uống nước lọc theo nhu cầu.
- Thuốc chống táo bón: Khi tình trạng táo bón cần điều trị phải được bác sĩ kê toa thuốc.
Thuốc sử dụng hàng ngày giúp trẻ táo bón đi tiêu phân mềm, không đau, phục hồi thói quen vệ sinh đều đặn. Mục tiêu là giúp bé đi tiêu hàng ngày, không bị cảm giác khó chịu, không bị són phân ra quần. Cần dùng thuốc đều đặn trong một thời gian dài (thường là 3-6 tháng) mới mang lại kết quả.
Lưu ý khi dùng thuốc chống táo bón: Cho trẻ uống thuốc vào cùng một giờ mỗi ngày. Có thể trộn thuốc với nước lọc, nước quả giúp trẻ dễ uống hơn. Thuốc có thể đáp ứng hiệu quả ở mỗi trẻ khác nhau với liều điều trị khác nhau. Do đó cha mẹ nên tìm hiểu liều thuốc tối thiểu và tối đa và phối hợp với bác sĩ để có thể điều chỉnh liều thuốc phù hợp (nếu cần), trước khi khám lại.
Các loại thuốc chống táo bón có trên thị trường bao gồm:
+ Nhóm thuốc bổ sung chất xơ: Khi uống vào thuốc sẽ hút nước từ ruột, làm cho phân mềm, tạo nhu động ruột bình thường để đẩy phân.
+ Nhóm thuốc làm mềm phân: Nhóm thuốc này không thúc đẩy nhu động ruột nhưng giúp nước thấm vào khối phân, làm phân mềm hơn và có thể tống ra ngoài mà không cần rặn, nhờ đó trẻ đi tiêu dễ dàng hơn.
+ Nhóm thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Có tác dụng giảm hấp thu nước ở thành ruột, tăng lượng nước trong lòng ruột, giúp phân mềm hơn và dễ tống ra ngoài.
- Nhóm thuốc nhuận tràng kích thích: Thuốc có tác dụng kích thích để cơ đại tràng co bóp, làm tăng nhu động ruột, khiến phân được đẩy ra ngoài nhanh hơn. Nhóm này chỉ được chỉ định khi các thuốc trên không có hiệu quả.
Khi cho trẻ dùng thuốc điều trị táo bón, cần tuân thủ các điều sau:
- Thuốc nhuận tràng phải dùng ít nhất 6 tháng liên tục. Thuốc có thể uống trước hoặc sau ăn đều được. Bác sĩ có thể kê liều trung bình cho mỗi trẻ. Phụ huynh cần tìm hiểu liều tối đa và tối thiểu để tăng giảm liều khi cần thiết.
Việc tăng hay giảm liều cần theo tính chất phân của trẻ sau khi dùng thuốc. Nếu ở liều điều trị ban đầu, trẻ đi ngoài dễ dàng, phân mềm thì không cần điều chỉnh. Nhưng nếu phân vẫn cứng thì cần tăng liều dần đến khi phân mềm. Nếu phân loãng quá thì giảm liều tới khi phân thành khuôn mềm. Khi đã dò được liều thích hợp thì duy trì liên tục không được tự ý ngưng. Việc ngừng thuốc đột ngột có thể khiến tình trạng táo bón của trẻ quay trở lại nặng hơn và khó điều trị.
Trong quá trình uống thuốc sẽ xảy ra tình huống:
+ Tiêu chảy do trẻ bị viêm ruột hoặc uống kháng sinh: Cần liên hệ bác sĩ để giảm liều hay ngưng thuốc tạm thời.
+ Phân của trẻ cứng lại: Cần liên hệ với bác sĩ để tăng liều tạm thời.
- Tập luyện thói quen đi cầu cho trẻ: Nên tập đi cầu sau bữa ăn tối 20 - 30 phút. Có thể xoa nhẹ bụng theo chiều kim đồng hồ để khởi động nhu động ruột. Làm đều đặn mỗi ngày và động viên trẻ ngồi bô hay toilet 5-10 phút dù có mót đi cầu hay không.
- Tư thế ngồi cầu: Bô (toilet) không được quá cao hay quá thấp, ngồi lưng thẳng, có thể hơi nghiêng về trước, 2 bàn chân phải chạm mặt sàn.
- Phát hiện hành vi nín giữ phân: Do bé có trải nghiệm xấu khi đi cầu (phân to, cứng gây đau) nên bé sẽ sợ và có xu hướng nín đi cầu.
Các biểu hiện khi cơn mót đi cầu tới ở mỗi bé mỗi khác: Gồng mình, đỏ mặt; bắt chéo chân; trốn vào một góc chờ cơn mót đi qua rồi chơi tiếp. Tình trạng này sẽ làm cho phân ứ lâu hơn và làm nặng quá trình táo bón. Vì vậy gia đình phải để ý nếu trẻ có hành vi như vậy kịp thời động viên dắt trẻ đi cầu ngay
Nếu trẻ lỡ ị đùn, không được la mắng mà cần động viên trẻ đi cầu cho hết.
Cha mẹ không nên quá lo lắng nếu trẻ bị táo bón kéo dài vì vẫn có thuốc điều trị chứng táo bón. Tuy nhiên kết quả thường không đến sớm như gia đình mong muốn. Hãy kiên trì tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ.
29/09/2022 10:39
Trên thực tế ghi nhận, đa số trẻ bị tay chân miệng độ nhẹ đều được cho theo dõi và chăm sóc tích cực tại nhà. Cha mẹ người chăm sóc bệnh nhân mắc tay chân miệng cần ghi nhớ các nguyên tắc dưới đây.
Bé gái 5 tuổi sống tại Tây Ninh vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận điều trị với chẩn đoán viêm não mô cầu. Vậy viêm não mô cầu do đâu, lây nhiễm qua đường nào?
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến nay nước ta đã ghi nhận 78 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella tại khu vực phía Bắc, trong đó có 10 trường hợp rubella tại 7 tỉnh, thành phố.
Bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ thường gặp và hay tái phát. Cha mẹ cần có những biện pháp chăm sóc trẻ đúng cách khi thời tiết chuyển mùa để trẻ không mắc bệnh.
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên với các dấu hiệu nhận biết như: ho, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể
Cúm B là một loại cúm mùa thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Trẻ mắc cúm B phần lớn là nhẹ và tự hồi phục, chủ yếu điều trị và chăm sóc tại nhà.
Trong thời gian vừa qua tại Hà Nội có nhiều trẻ bị ho gà, có bé chỉ 5 tuần tuổi. Điều này khiến nhiều mẹ có con nhỏ lo lắng.
Viêm họng là một bệnh phổ biến ở chuyên khoa tai mũi họng. Do viêm họng hay xảy ra nên nhiều người sẽ chủ quan và thường tự điều trị bằng các phương pháp dân gian tại nhà hoặc tự mua thuốc không theo kê đơn của bác sĩ về uống…
Yên Bái đã ghi nhận trường hợp trẻ mắc thủy đậu tử vong. Vậy nếu trẻ mắc thủy đậu thì cần phải làm gì, chăm sóc ra sao để nhanh khỏi bệnh.
Viêm đường hô hấp trên bao gồm nhiều bệnh lý như viêm mũi, viêm tai giữa.... Khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên cha mẹ cần bình tĩnh xử lý các triệu chứng.