Đăng nhập sổ của bạn
Điều mẹ bầu nên làm khi phát hiện 'tràng hoa quấn cổ' em bé
Hiện tượng tràng hoa quấn cổ (dây rốn quấn cổ) em bé trong bụng mẹ thường không gây ra biến chứng khi sinh. Tuy nhiên, có những trường hợp dây rốn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam vừa đỡ đẻ thành công cho sản phụ sinh em bé bị dây rốn quấn cổ 4 vòng bằng phương pháp sinh thường. Sản phụ P.T.T., (40 tuổi, trú tại Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) mang thai lần 3 vào viện trong tình trạng thai 40 tuần, chuyển dạ, ngôi đầu.
Khi vào viện, cả sản phụ và người nhà đều xin phẫu thuật vì trước đó qua khám thai và siêu âm 3 tháng cuối, phát hiện em bé bị dây rốn quấn cổ nhiều vòng. Tuy nhiên, qua đánh giá một cách toàn diện và tiên lượng cuộc sinh, các bác sĩ trong phiên trực nhận thấy có thể theo dõi sinh thường nên đã tư vấn cho sản phụ và người nhà yên tâm cùng hợp tác.
Sau gần 3 giờ theo dõi chặt chẽ, kiểm soát kỹ lưỡng tiến trình chuyển dạ, sản phụ đã sinh thường 1 bé trai, nặng 2,9kg, dây rốn quấn cổ 4 vòng.
Dây rốn là sợi dây liên kết giữa mẹ và thai nhi. Dây rốn dài từ 50-60cm, có hình ống mềm mại, chứa các mạch máu cần thiết để cung cấp máu, oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi. Dây kết nối từ nhau thai (một cơ quan hình thành trong tử cung khi mang thai) đến bụng của thai nhi.
Sau khi sinh, dây rốn bị cắt và mảnh mô còn lại trên người em bé sau một thời gian ngắn sẽ khô lại rồi rụng cuống rốn. Nếu dây rốn của thai nhi có bất thường là vấn đề đáng lo ngại, nguy hiểm cho cả mẹ và bé, đặc biệt thai nhi có khả năng bị thiếu oxy dẫn đến suy thai, tử vong.
Theo PGS. TS Nguyễn Mạnh Thắng - Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cứ 4 ca sinh thì có 1 ca dây rốn quấn cổ. Nguyên nhân chính của dây rốn quấn cổ là do chuyển động quá mức của thai nhi ở những tháng đầu thai kỳ.
Dây rốn dài hơn bình thường, nhiều nước ối, đa thai (sinh đôi, sinh ba…) thì có thể làm tăng nguy cơ dây rốn quấn cổ.
Dây rốn có thể quấn quanh cổ một hoặc nhiều vòng. Nếu dây rốn quấn ba vòng trở lên thì nguy cơ thai lưu tăng lên. Tuy nhiên, có những trường hợp không bắt buộc phải mổ lấy thai mà mẹ bầu vẫn có thể sinh thường dưới sự thăm khám và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ sản khoa.
Mặc dù phần lớn dây rốn quấn cổ không gây ra biến chứng nào cho thai nhi, nhưng vẫn có một số trường hợp nguy cơ biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra, cụ thể như:
Thai nhi không hít thở không khí bên ngoài cho đến khi được sinh ra, vì vậy nguồn cung cấp oxy cho thai nhi đến từ máu của người mẹ chảy qua dây rốn đến thai nhi. Nếu dây bị thắt nút hoặc bị nén, lưu lượng máu sẽ bị hạn chế, làm giảm lượng máu, chất dinh dưỡng và oxy mà nó nhận được. Mức độ nén chặt của dây rốn sẽ xác định mức độ nguy hiểm gây ra cho thai nhi.
PGS. TS Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, tình trạng của dây rốn có thể được chẩn đoán khi siêu âm tử cung, đây là phương pháp sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh cho thấy các mô và cấu trúc của thai nhi và tử cung. Tuy nhiên, dây rốn không phải lúc nào cũng được nhìn thấy trên hình ảnh siêu âm và có thể không rõ ràng cho đến khi sinh.
Không có phương pháp nào để ngăn ngừa hoặc điều trị dây rốn quấn cổ. Nếu nhìn thấy dây rốn quấn cổ qua siêu âm, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi sự phát triển của thai nhi và lượng nước ối hiện có và theo dõi chuyển động của thai nhi.
Dây rốn quấn cổ khá phổ biến, xảy ra ở khoảng 1 trong 4 ca sinh và không phải lúc nào cũng gây biến chứng cho thai nhi. Độ chặt của dây rốn sẽ quyết định lượng máu và lưu lượng oxy bị hạn chế đối với thai nhi. Nếu lưu lượng máu rốn bị tổn thương, có thể phải mổ lấy thai. Phần lớn các trường hợp dây rốn quấn cổ, mẹ bầu vẫn sinh thường mà không gặp biến chứng.
29/06/2023 16:37
Nhiễm độc thai nghén (tiền sản giật) là tình trạng liên quan đến tăng huyết áp và protein cao trong nước tiểu.
Trong mùa xuân, mẹ bầu cần được chăm sóc nhiều hơn, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa khi thời tiết thay đổi liên tục và có xu hướng bất thường.
Có rất nhiều phụ nữ khi mang thai bị ợ chua, ợ nóng mà chưa từng gặp vấn đề gì trước đây. Chứng trào ngược xuất hiện thường xuyên gây rất nhiều khó chịu, tuy nhiên cũng có nhiều cách đối phó và cải thiện tình trạng này.
Trong những ngày Tết, nho khô thường có trên bàn khách của mỗi nhà. Vậy mẹ bầu ăn nho khô như thế nào để mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhất?
Để những ngày Tết an vui, dù công việc bận rộn đến đâu nhưng các mẹ bầu vẫn nên ưu tiên hàng đầu việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và thai nhi.
Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu về sắt và acid folic tăng lên rất cao nên hầu hết phụ nữ bị thiếu máu do thiếu sắt.
Khi bị táo bón, phụ nữ mang thai thường có xu hướng rặn mỗi khi khó đi tiêu, càng rặn thường xuyên càng gây ra bệnh trĩ hoặc làm nặng thêm bệnh trĩ. Bà bầu bị trĩ sẽ gặp khó khăn khi sinh thường.
Vô sinh do nhiều nguyên nhân như do yếu tố sinh học, di truyền, lối sống, tuổi tác... Béo phì đã được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây ra vô sinh ở cả nam và nữ giới.
Cảm lạnh khi mang thai nếu không được xử trí kịp thời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Tuy nhiên, đâu là cách chọn thuốc trị cảm lạnh an toàn cho phụ nữ mang thai?
Acid folic là một trong những vitamin nhóm B có vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất các tế bào máu và sự phát triển của ống thần kinh thai nhi.