Đăng nhập sổ của bạn
Bổ sung canxi đúng cách cho trẻ em
Canxi là dưỡng chất vô cùng quan trọng đối với trẻ. Tuy nhiên, nếu tự ý bổ sung có thể dẫn đến thừa canxi, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.
Vai trò của canxi đối với trẻ em
Trong cơ thể, canxi chiếm khoảng 1,5% tổng trọng lượng, trong đó 99% lượng canxi tập trung ở xương và răng, 1% còn lại phân bố trong máu, trong tế bào và ngoại bào.
Canxi đóng vai trò rất quan trọng trong sức khỏe xương và răng. Nhờ có canxi, trẻ có thể phát triển chiều cao, tăng cường miễn dịch.
Không chỉ là một khoáng chất cần thiết trong sự tạo cơ, canxi còn giúp dẫn truyền các tín hiệu thần kinh. Thiếu canxi khiến trẻ chậm lớn, có thể dẫn đến bệnh còi xương…
Mặt khác, thừa canxi cũng gây tác động xấu đến sức khỏe của trẻ. Lượng canxi tích tụ dẫn đến vôi hóa thận, làm giảm hấp thu các khoáng chất như sắt, kẽm, magiê…
Nhu cầu canxi ở trẻ em
Ở mỗi độ tuổi, trẻ có nhu cầu canxi khác nhau. Khuyến nghị về nhu cầu canxi cho người Việt Nam được đưa ra như sau:
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi có thể nhận được canxi từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Nhu cầu canxi của trẻ trong giai đoạn này:
Dưới 6 tháng tuổi cần 300mg canxi mỗi ngày
Từ 6-11 tháng tuổi cần 400mg canxi mỗi ngày
Từ 1-3 tuổi cần 500mg canxi mỗi ngày
Từ 4-6 tuổi cần 600mg canxi mỗi ngày
Trẻ thiếu canxi có biểu hiện gì?
Một số biểu hiện ở trẻ như hay vặn mình, rụng tóc vành khăn, đổ mồ hôi trộm... chưa thể khẳng định trẻ bị thiếu canxi hay không. Vì đó có thể là hiện tượng sinh lý bình thường. Cha mẹ khi thấy những biểu hiện trên đã vội vàng bổ sung canxi cho trẻ là chưa hợp lý. .
Thay vào đó, nếu trẻ có các biểu hiện bị co rút cơ, hoặc triệu chứng như tay co và giật, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ, bởi đây là biểu hiện của thiếu canxi. Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm máu để có kết quả chính xác.
Nguồn cung cấp canxi
Cơ thể không tự tổng hợp được canxi, do đó cần đưa vào cơ thể từ các nguồn thực phẩm hoặc thuốc bổ sung. Ngoài ra, để hấp thụ canxi, trẻ cần nhận đủ lượng vitamin D mà cơ thể cần.
Canxi trong thực phẩm
Canxi được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm khác nhau:
Sữa và các chế phẩm bơ sữa như phô mai, sữa chua...
Rau lá xanh đậm như bông cải xanh, cải xoăn, cải thìa, cải bó xôi, cần tây, rau ngót...
Ngũ cốc và các loại hạt, đặc biệt là hạnh nhân, hạt điều, quả óc chó…
Đậu phụ, đậu nành...
Hải sản như tôm, cua, các loại cá có xương mềm như cá mòi, cá hồi đóng hộp…
Canxi trong thuốc bổ sung
Trong một số trường hợp, trẻ cần bổ sung canxi bằng đường uống. Bất kể loại thuốc bổ sung canxi nào đều cần được bác sĩ kê đơn. Cha mẹ không nên tự ý cho con sử dụng, bởi thừa canxi cũng sẽ gây những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ.
Canxi trong thuốc bổ sung có hai dạng là canxi vô cơ (canxi carbonat, canxi photphat) và canxi hữu cơ (canxi citrat, canxi laclat, canxi gluconat, canxi citrate maleat). Cha mẹ nên đọc kỹ nhãn thuốc và kiểm tra thành phần để xem dạng và lượng canxi có trong đó. Thông thường, phổ biến nhất là canxi cacbonat và canxi citrat.
Canxi hữu cơ được cơ thể hấp thu tốt hơn, tuy nhiên hàm lượng nguyên tố canxi trong canxi vô cơ lại cao hơn. Theo đó, canxi cacbonat chứa 40% canxi nguyên tố, trong khi canxi citrat chỉ chứa 21% canxi. Do đó, trẻ bổ sung canxi chỉ cần uống một lượng nhỏ đã có thể đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể nếu sử dụng thuốc bổ sung chứa canxi cacbonat.
Hiện nay, trên thị trường các thuốc bổ sung canxi thường ở 2 dạng bào chế là dạng viên và siro. Đối với trẻ em, siro là lựa chọn phù hợp hơn cả, song cha mẹ cần lưu ý sử dụng cốc hoặc thìa đong đi kèm để lấy đúng liều cho con.
Ngoài ra, một số sản phẩm bổ sung canxi thường được kết hợp với vitamin D và K2 để tăng hấp thụ. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý đến liều lượng vitamin D có ghi trên nhãn, tránh trường hợp quá liều do sử dụng cùng lúc nhiều loại sản phẩm bổ sung.
Lưu ý giúp cơ thể tăng hấp thụ canxi
Nên uống bổ sung canxi với liều lượng nhỏ (mỗi lần 500 mg) và tốt nhất là vào bữa ăn để tăng khả năng hấp thu.
Trẻ cần nhận đủ vitamin D để giúp cơ thể hấp thụ canxi. Nếu con không nhận được đủ vitamin D từ ánh nắng mặt trời, chế độ ăn hoặc không sử dụng vitamin tổng hợp, cha mẹ có thể lựa chọn sản phẩm bổ sung canxi có chứa vitamin D.
Hạn chế cho trẻ uống soda, nước tăng lực hoặc đồ uống có chứa caffeine vì những chất này có thể cản trở cơ thể hấp thụ canxi.
16/04/2022 17:21
Trẻ em sức đề kháng kém nên rất dễ mắc tiêu chảy, khi mắc bệnh các triệu chứng dễ chuyển biến nặng, kéo dài hơn so với người lớn.
Không chỉ tạo vị ngon, ngọt cho món ăn, nước hầm xương còn có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe xương khớp, da, đường ruột và giải độc cơ thể.
Suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi là tình trạng cơ thể không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ.
Ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính xảy ra do ăn, uống phải thức ăn bị ô nhiễm hoặc có chất độc, biểu hiện bằng những triệu chứng dạ dày - ruột, thần kinh hoặc những triệu chứng khác tuỳ theo tác nhân gây ngộ độc.
Người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) cần lưu ý những gì trong dịp Tết? Sau đây là một số các gợi ý để người bệnh ĐTĐ cần chú ý:
Vitamin D là một chất dinh dưỡng quan trọng giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch và cơ thể dễ bị thiếu hụt chất này trong mùa lạnh và cúm, đặc biệt trong những tháng mùa đông có ít ánh sáng mặt trời hơn.
Suy dinh dưỡng thường được coi là tình trạng thiếu calo hoặc thiếu một hoặc nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu như protein, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và sự phát triển trí não ở trẻ em.
Viêm đường hô hấp ở trẻ tăng cao theo chu kỳ mỗi năm, thời điểm trẻ bị mắc nhiều nhất là vào khoảng tháng 9- tháng 12 hàng năm, khi thời tiết giao mùa. Trẻ bị viêm hô hấp thường có biểu hiện: đau họng, sổ mũi, ho, sốt, khan tiếng…
Canxi là một khoáng chất cần thiết thường được biết đến có trong sữa và các loại hải sản. Tuy nhiên, một số loại thức ăn từ thực vật cũng chứa hàm lượng canxi cao.
Miền Bắc đang ở trong những ngày rét đậm, khiến trẻ dễ mắc bệnh, đặc biệt các bệnh về đường hô hấp. Để phòng bệnh, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung các loại vitamin cần thiết, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng.