Sổ Mẹ và Bé

Tải ứng dụng Sổ Mẹ và Bé

Tải ứng dụng Sổ Mẹ và Bé

Đăng nhập sổ của bạn

Vì sao phụ nữ mang thai và sinh đẻ dễ bị ốm?

Mỗi chúng ta, ai chẳng có một lần ốm. Ốm có thể là nhức đầu, cảm cúm, đau bụng, đau răng... và những nhiễm khuẩn khác. Nhưng người phụ nữ mang thai và sinh đẻ lại càng dễ ốm, đặc biệt dễ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn.

Trong thời kỳ mang thai, khả năng chống lại các mầm bệnh xâm nhập cơ thể bị giảm sút do sự thay đổi về chuyển hóa lúc có thai, sự biến đổi lớn về nội tiết và sự biến dạng của cơ thể (bụng to, bị chèn ép, cơ hoành nằm giữa ngực và bụng bị đẩy lên cao...).

 

 

Nguy cơ nhiễm khuẩn đối với người có thai không phải chỉ ở mẹ mà thai nhi trong dạ con cũng có thể bị lây nhiễm do các mầm bệnh hoặc các độc tố của vi khuẩn từ máu mẹ vào thai qua bánh rau hoặc trực tiếp qua đường âm đạo, cổ dạ con từ dưới đi lên xâm nhập buồng ối. Do đó khi bà mẹ có thai, nếu bị mắc bệnh do vi khuẩn, virut hoặc ký sinh trùng đều có thể nặng hơn so với mắc bệnh ngoài thời kỳ thai nghén. Nếu bệnh đã có tỷ lệ tử vong cao ở người bình thường, thì ở người có thai và sinh đẻ, tử lệ tử vong còn cao hơn nữa. Khi bị nhiễm khuẩn, tình trạng sốt, mệt mỏi kéo dài, ăn uống kém sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Các loại virut, vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh ở mẹ, tùy từng loại mầm bệnh mà thai có thể bị nhiễm ở các thời kỳ khác nhau:

Đối với hầu hết các virut, do kích thước của các mầm bệnh rất nhỏ nên khi mẹ bị nhiễm thì các virut đó thường qua được rau để sang thai nhi ở bất kỳ tuổi thai nào. Nếu thai còn quá nhỏ (dưới 12 tuần, trong giai đoạn phôi đang hình thành các bộ phận của cơ thể) thì một số virut có thể gây dị tật cho thai nhi. Chính vì vậy người ta khuyên các bà mẹ mang thai trong 3 tháng đầu, nếu mắc bệnh cúm thì không nên giữ thai.

Với các loại vi khuẩn, người ta thấy không phải lúc nào chúng cũng có thể xâm nhập thai vì còn phụ thuộc vào tuổi thai, cấu trúc của rau thai. Thông thường khi tuổi thai còn ít tuần, cấu trúc của các gai rau còn dày đặc thì hầu hết các loại vi khuẩn không đi qua được.

Khi tuổi thai lớn đến gần ngày đẻ thì nhiều loại vi khuẩn có thể qua được rau để vào thai nhi do cấu trúc của gai rau thai đã mỏng đi. Chẳng hạn, khi người mẹ bị bệnh giang mai, xoắn khuẩn gây bệnh này chỉ có thể xâm nhập vào thai từ tháng thứ 5 trở đi. Vì thế nếu người mẹ đang điều trị khỏi giang mai trước khi thai đầy 4 tháng thì nhiều khả năng con không bị mắc giang mai bẩm sinh. Tuy nhiên, các độc tố của các loại vi khuẩn tiết ra trong cơ thể mẹ cũng có thể theo máu mẹ qua rau thai vào thai, gây nguy hiểm cho thai.

Với các loại ký sinh trùng (giun, sán), nếu người mẹ bị nhiễm, việc chuyển mầm bệnh sang cho con có khó khăn hơn so với các loại virut và vi khuẩn. Tuy vậy, người ta cũng thấy rằng ký sinh trùng sốt rét có thể truyền từ mẹ sang thai khi bà mẹ đang bị bệnh sốt rét mà sinh con. Tùy tình trạng nhiễm bệnh của mẹ mà thai nhi có thể mắc bệnh, có thể bị dị tật, có thể chết lưu. Nếu không thì thai cũng bị suy dinh dưỡng, không phát triển bình thường.

Sau khi đẻ, cơ thể người mẹ vẫn trong tình trạng dễ mắc bệnh như khi đang có thai. Ngoài ra, bà mẹ rất dễ bị nhiễm khuẩn bắt nguồn từ đường sinh dục, được gọi là nhiễm khuẩn sau đẻ (hay nhiễm khuẩn hậu sản). Nhiễm khuẩn sau đẻ có thể là nhiễm khuẩn tại chỗ ở âm hộ, âm đạo do các sang chấn khi đẻ tạo nên, có thể bị nặng hơn nếu bị nhiễm khuẩn ở dạ con. Vết bong ra trong dạ con được coi như một vết thương hở rất lớn trên cơ thể, lại không băng bó được như các vết thương ngoài da.

Ở đó lúc này lại có máu và dịch là môi trường rất thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển. Hơn nữa vùng sinh dục lại ở vị trí dễ bị ô nhiễm (phân, nước tiểu bài tiết ngay cạnh). Vì thế, ở bà mẹ sau đẻ chỉ cần lơ là, mất cảnh giác một chút trong việc giữ gìn vệ sinh là có thể bị nhiễm khuẩn sau đẻ.

Điều nguy hiểm hơn là nhiễm khuẩn đó không chỉ lưu trú ở bên trong dạ con mà có xu hướng lan rộng ra toàn bộ dạ con, vòi trứng, buồng trứng, lan vào ổ bụng gây viêm phúc mạc (màng bụng), lan vào máu gây viêm tắc tĩnh mạch và nhiễm khuẩn huyết, có thể gây tử vong cho bà mẹ nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Đề phòng ra sao?

Bà mẹ khi có thai và sinh đẻ hoàn toàn có thể ngăn ngừa tình trạng nguy hiểm trên bằng các biện pháp sau:

- Thường xuyên chú ý giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh trong ăn mặc, chỗ ở. Ngoài việc giữ vệ sinh chung, phải đặc biệt chú ý giữ vệ sinh bộ phận sinh dục hằng ngày.

- Hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người, nhiều bụi bặm, ô nhiễm hoặc có độ nóng, ẩm cao... Nếu trong gia đình có người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc có người bị sốt vì bất cứ nguyên nhân nào cũng cần tránh không cho bà mẹ phải tiếp xúc trực tiếp với họ. Tốt nhất là cách ly người có bệnh hoặc cách ly bà mẹ có thai hoặc mới đẻ hay đang nuôi con nhỏ không cho tiếp xúc với người đó.

- Khi có thai, bà mẹ phải đi khám thai định kỳ đều đặn. Nếu thấy bị sốt hoặc có bất thường nào trong cơ thể cũng cần đi khám ngay để được phát hiện sớm, nhất là khi địa phương đang có dịch. Bà mẹ được tiêm phòng uốn ván đủ hai mũi khi có thai và phải được uống thuốc phòng sốt rét nếu không trong vùng có bệnh sốt rét lưu hành.

- Khi đẻ, cần đến đẻ tại các cơ sở y tế để được bảo đảm vô khuẩn khi chuyển dạ, khi đẻ và các chăm sóc sau đẻ.

- Sau khi đẻ xong vẫn cần thực hiện các điều kiện vệ sinh đối với phụ nữ và trong việc chăm sóc nuôi con. Có điều gì chưa rõ, nên trao đổi với thầy thuốc hoặc nữ hộ sinh để nhận được những lời khuyên đúng.

02/10/2022 21:29

Dự phòng các tai biến thường gặp trong quá khi sinh nở

Dự phòng các tai biến thường gặp trong quá khi sinh nở

Ths.BS. Nguyễn Cảnh Chương

Tai biến sản khoa là vấn đề sức khỏe xảy ra với bà mẹ và trẻ sơ sinh. Bất kỳ sản phụ nào cũng có nguy cơ đối diện với tai biến sản khoa, vì vậy việc dự phòng tai biến sản khoa đóng vai trò quan trọng.

Thuyên tắc ối - biến chứng sản khoa vô cùng nguy hiểm

Thuyên tắc ối - biến chứng sản khoa vô cùng nguy hiểm

Bảo Châu

Thuyên tắc ối là biến chứng sản khoa nguy hiểm có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ và không thể tiên lượng trước.

Vỡ ối sớm nguy hiểm thế nào?

Vỡ ối sớm nguy hiểm thế nào?

BS. Nguyễn Tuấn Anh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Thông thường, khi bắt đầu hoặc trong quá trình chuyển dạ, màng ối sẽ bị vỡ. Nếu nước ối bị vỡ trước khi bắt đầu chuyển dạ gọi là vỡ ối sớm.

Giục sinh dễ đẻ, liệu có an toàn?

Giục sinh dễ đẻ, liệu có an toàn?

THẢO AN

Giục sinh là phương pháp nhân tạo. Phương thức này khiến các cơn co tử cung co thắt và giãn ra, thúc đẩy nhanh quá trình sinh con. Tuy nhiên, việc dùng thuốc giục sinh có nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.

Sữa mẹ giúp phát triển não bộ trẻ sơ sinh đẻ non

Sữa mẹ giúp phát triển não bộ trẻ sơ sinh đẻ non

BS Ái Thủy

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ và nên là thức ăn đầu tiên đối với tất cả trẻ sơ sinh. Sữa mẹ giúp phát triển não bộ và nhận thức ở trẻ đẻ non.

Sa tạng vùng chậu có nguy hiểm không?

Sa tạng vùng chậu có nguy hiểm không?

Bác sĩ Quang Dương

Sa tạng vùng chậu không đe dọa đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của phụ nữ, khiến phụ nữ mất đi sự thoải mái và tự tin trong cuộc sống.

Phương pháp sinh nở ảnh hưởng tới vi khuẩn đường ruột trẻ sơ sinh

Phương pháp sinh nở ảnh hưởng tới vi khuẩn đường ruột trẻ sơ sinh

Phan Bình

Theo một nghiên cứu mới công bố gần đây thì phương pháp sinh nở có thể ảnh hưởng tới vi khuẩn đường ruột của trẻ sơ sinh. Sự khác nhau này có thể sẽ biến mất trong vòng 9 tháng sau đó, nhưng trong thời gian này, nó cũng gây không ít phiền toái cho trẻ...

Tai biến thường gặp khi sinh nở

Tai biến thường gặp khi sinh nở

BS. Song Nhi

Mang thai và sinh nở là quá trình sinh lý tự nhiên của người phụ nữ. Tuy nhiên không phải ai cũng trải qua quá trình này một cách tự nhiên, nhất là khi sinh con. Một số tai biến khi sinh đẻ có thể gặp phải như:

Giải đáp những câu hỏi thường gặp về tinh hoàn ẩn ở trẻ mới sinh

Giải đáp những câu hỏi thường gặp về tinh hoàn ẩn ở trẻ mới sinh

Thiên Châu

Ở một số bé trai, đặc biệt là những trẻ sinh non, một hoặc cả hai tinh hoàn không xuống bìu trước khi sinh, thường được gọi là tinh hoàn ẩn.

Ngất xỉu sau khi tự sinh con tại nhà

Ngất xỉu sau khi tự sinh con tại nhà

Võ Thu

Một người phụ nữ 18 tuổi sau khi tự sinh con tại nhà đã bị ngất xỉu, huyết áp hạ còn 70/40, mạch nhanh.